Điều đầu tiên xin hãy là con đã

dai-ly-nuoc-cua-ban

Điều đầu tiên xin hãy là con đã. Ý tôi muốn nói, hãy đặt mình vào vị trí của con, để hiểu chúng cần gì. Để xoa dịu những suy nghĩ bồng bột. Để hướng chúng đi theo con đường đúng đắn. Để không còn nữa, những hành động đau lòng của con trẻ như trên mạng mấy ngày qua… Đó là sự mất mát không thể nào bù đắp được. Đó là nỗi đau sẽ đi theo, dằn vặt người còn sống đến hết cả một đời. Đó là khi hai từ “hối hận” đã quá muộn màng. Đó là khi hai từ “giá như” không còn giá trị nữa…

dieu-dau-tien-xin-hay-la-con-da

Xin hãy là con đã, trước khi tự phong cho mình là người phán xử. Xin hãy là con đã, trước khi xem mình như là “đấng tối cao”. Có lẽ bạn nói rằng rất khó, làm sao có thể đặt mình vào vị trí đó được? Bạn sẽ đổ lỗi cho muôn vàn hoàn cảnh. Thậm chí, bạn có thể chửi tôi là ” thằng điên” để chống chế cho hai từ không thể trong bạn. Hãy là con đã, cúi đầu nhắc bạn điều đó vô cùng đơn giản. Bởi vì bạn cũng đã từng sinh ra, và trưởng thành trước khi bạn làm ba mẹ.

Hãy là con đã. Điều đó đơn giản là bạn hãy nhớ đến thời kỳ tuổi trẻ của bạn. Hãy quay về quá khứ của chính bạn. Thời kỳ nổi loạn ấy, bạn cần những gì? bạn có ghét cay ghét đắng câu ” cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” khi xảy ra tranh cãi? Bạn có ức chế không? khi điều bạn cần là “lắng nghe”, nhưng cái bạn nhận lại là “sự áp đặt”? Bạn thích nghe “tao cấm…”, bạn làm theo “mày phải…” hay bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ phản kháng?

Xin hãy là con đã điều đầu tiên bạn cần

Mỗi người sinh ra đều có những khả năng khác nhau. Nhưng nhìn chung lại, hầu hết mỗi người trong chúng ta đều muốn con cái “hoàn mỹ”. Điều mà bản thân mình không chắc đã làm được, và chắc chắn đã không làm được. Thì tôi hỏi rằng, lý do gì bạn lại ép chính con của mình? Những cảm giác bạn đã từng trải qua, đã từng muốn buông xuôi khi bị áp đặt quá mức. Tại sao? tại sao lại biến chính con mình vào vết xe đỗ ấy? Câu trả lời đa số chắc là ” vì thương, vì muốn tốt cho con”.

Có bao giờ bạn hỏi rằng con bạn cần tình thương ép buộc ấy không? Cứ ép chúng mặc chiếc áo chúng không muốn mặc. Vì người ngoài khen đẹp, vì cái bạn gọi là xã hội khen đẹp. Có ích kỷ quá không? Bạn thương con hay thương chính cái sỹ diện của bạn? Khi cảm thấy con mình khả năng nhỉnh hơn người khác một xíu. Hy vọng trong bạn bắt đầu huyễn hoặc chính bạn.

Tôi nói có đúng không? khi bạn bắt đầu yêu cầu con mình phải giỏi đều các môn theo ý bạn. Đó là khi bạn bắt đầu thuê gia sư riêng, bắt đầu cho tâm hồn non nớt của chúng chịu cái áp lực ghê gớm. Làm, học theo những gì bạn sắp đặt. Bạn hãnh diện. Bạn thích người ngoài khen khi bạn nói con bạn đang học trường chuyên. Lời khen mỹ miều khiến bạn hài lòng.

Để được sự hài lòng ấy, bạn có biết rằng bạn đang đốt cháy chính tâm hồn non nớt của con mình? Dần dà theo thời gian, sự ức chế ấy tích tụ dần. Đến đỉnh điểm nào đó, nó sẽ bùng phát. Hậu quả của nó là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là tàn khốc. Xin đừng đợi đến khi chúng nghĩ đến việc “giải thoát” thì bạn mới hối hận… Bởi lúc ấy… tất cả đã quá muộn màng…

Người bạn có kinh nghiệm tốt hơn nhiều cho sự áp đặt

Chỉ có học giỏi mới có tương lai. Chỉ có học mới có thể làm ông này bà kia. Để làm gì? Khi sức của con bạn chỉ có hạn. Chủ nhân của đất nước là tất cả chúng ta. Nhưng tinh hoa lèo lái đất nước lại không phải là tất cả. Ép làm gì điều không thể? Sao không để chúng tự nhiên phát triển theo chiều hướng phù hợp? Hãy là bạn, hãy lắng nghe. Hãy hướng chúng đến những điều tốt đẹp bằng chính kinh nghiệm của mình. Xin đừng dùng kinh nghiệm của mình để ép, chỉ bởi vì” điều đó không tốt, bạn trải qua rồi, bạn biết”

Nhưng chúng có biết đâu? vì chúng không phải bạn. Thay vì “không được”. bạn có thể nói rằng “con sẽ gặp phải…” nếu chúng làm điều đó. Hãy để chúng ngã theo ý chúng muốn. Cho lời khuyên, sẵn sàng đỡ chúng dậy. “không sao, điều đó đã được lường trước”. Tôi không phải chuyên gia tâm lý. Tôi cũng có con, tôi từng làm con và tôi làm bạn với chính con mình bằng kinh nghiệm mĩnh đã trải qua.

Nếu con học sinh giỏi thì quá tốt. Nhưng nếu không thể, không sao. Học vượt qua cơ bản, chú tâm vào môn con thích. thế thôi. Con có muốn học thêm môn đó không? còn môn này thì sao? Nếu đã lựa chọn, thì con phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Là con gái, học cả tuần, lại chọn môn đá bóng, kèm theo ba môn phụ khác. Tôi chỉ nói “con chắc chưa? ba nghĩ con quá sức đó”.

Mang đến lời khuyên tốt hơn nhiều áp đặt

Vẫn đòi học. Ok, tôi đăng ký. Đến khi mệt mỏi tự khắc mình nhìn sẽ biết. “nghỉ bớt môn con nhé. Ai cũng có sai lầm. Cái quan trọng là mình biết sửa”. Câu nói ấy gỡ bỏ “trách nhiệm” cho sự lựa chọn không đúng. Cho con vài ngày mệt mỏi để thắm đã. Bỏ một môn, nghỉ vui vẻ. Chưa bao giờ áp đặt. Chỉ tranh luận với con từ khi còn nhỏ.

Với lứa tuổi khám phá, chưa một lần vấp ngã. Chúng thích vấp ngã. Bạn cấm là điều không thể được. Vì sao? Vì bạn trải qua, bạn biết. Ba mẹ bạn có cấm bạn không? đã cấm sao bạn trải qua được? Bạn xé rào, thế thôi. Cái gì cấm là làm. Để khi vỡ lỡ là kèm theo trận đòn roi, chì chiết, những câu nói xát muối vào tim. Đã biết vậy, đã trải qua rồi, sao lại ép chính con mình?

Hãy đừng để suy nghĩ của chúng đến cùng cực bởi sự ích kỷ của chính mình. Chết là giải thoát. Quá đau lòng cho những hành động dại dột ấy ngày càng nhiều… Bỏ cái tôi của mình xuống. Mở rộng trái tim, Hãy lắng nghe, hãy là bạn của chúng. Hãy cho chúng cái quyền lựa chọn. Hãy cho chúng được vấp ngã. Mở rộng bàn tay, không sao đâu. Lựa chọn lại. Có ba mẹ đây rồi…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo